I. PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã tăng cao, lượng hàng hoá lớn, nhu cầu sử dụng điện, chất đốt cao tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Công an xã tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân nhân các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:
1. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng dễ, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chập mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.
3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.
4. Bố trí nơi thắp hương, đốt vàng mã hợp lý, an toàn, khoảng cách từ ngọn hương, đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng hương, nến trên các ban thờ, hệ thống điện, khi thắp hương, đèn phải có người trông coi, sắp xếp ban thờ, các đồ thờ, cúng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phát hiện, ứng phó kịp thời khi cần thiết.
5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.
6. Mỗi gia đình, cơ sở kinh doanh hãy tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và biết cách sử dụng, đảm bảo chữa cháy tốt, hiệu quả khi xảy ra sự cố.
7. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.
8. Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, dơ le, attomat ... cho từng phòng, từng khu vực riêng biệt.
9. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.
10. Báo cháy cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 và Công an xã đồng thời sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.
Công an xã Đức Phúc đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và toàn thể Nhân dân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy nổ, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, bình an cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
II. TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁO, VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ.
Theo quy luật hàng năm, cứ chuẩn bị Tết đến, xuân về các đối tượng lại lợi dụng để sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Hành vi vi phạm về pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự mà còn gây tổn hại về kinh tế và sức khoẻ con người, đây là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án đấu tranh. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của chính phủ về quản lý, sử dụng pháo góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đề nghị mọi người đặc biệt là học sinh các nhà trường thực hiện một số nội dung sau:
1. Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo và đốt pháo nổ trái phép.
2. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh chấp hành và thực hiện tốt Luật số 14/2017/QH14, ngày 20/6/2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Nghị định 137/2020/NĐ-CPngày 27/11/2020 của chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và tự giao nộp cho Công an xã vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
3. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định về sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụngcác loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợbáo ngay cho Công an xã Đức Phúc để kịp thời bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Công dân mua pháo tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo đến Công an xã Đức Phúc để khai báo việc sử dụng pháo.
III.TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM
1. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Phương thức, thủ đoạn:
1. Đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện, nhắn tin đe dọa người dân liên quan đến đường dây tội phạm, vi phạm pháp luật... đe dọa bắt, yêu cầu người dân kê khai, chuyển tiền, cung cấp tài khoản ngân hàng để điều tra.
2. Đối tượng hack, chiếm quyền sử dụng tài khoản zalo, facebook... nhắn tin nhờ thanh toán, chuyển tiền giải quyết việc gấp. Đặc biệt, đối tượng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo “Deep fake, Deep voice" tạo cuộc gọi video có hình ảnh, khuôn mặt, giọng nói giống chủ tài khoản hoặc cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo.
3. Đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng, cán bộ thuế, y tế, bảo hiểm... thông báo tài khoản bị lỗi, lộ thông tin, đăng ký thuê bao chính chủ, cập nhật mã số thuế, đóng tiền thuế… yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng (mật khẩu đăng nhập, mã OTP ngân hàng); tải ứng dụng lạ, truy cập trang web độc hại, giả mạo.
4. Đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay tiền trực tuyến yêu cầu người vay tiền cung cấp thông tin, chụp ảnh CCCD, gửi hình ảnh hợp đồng vay tiền yêu cầu người vay chuyển trước lệ phí.
5. Đối tượng đăng bài trên mạng xã hội: bán hàng online yêu cầu thanh toán tiền trước; đặt vé máy bay, tour du lịch giá rẻ; tuyển cộng tác viên, kêu gọi từ thiện, đầu tư tài chính tiền ảo; làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ hưởng lợi nhuận, hoa hồng cao...
6. Đối tượng giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen tạo mối quan hệ thân thiết, tặng quà giá trị lớn yêu cầu chuyển tiền phí vận chuyển, tiền thuế...
Biện pháp phòng tránh:
1. Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, các cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc liên quan đến giao dịch ngân hàng, chuyển tiền, người gọi tự xưng cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng, tư vấn đầu tư... Đặc biệt là cuộc gọi thông báo lực lượngCông an yêu cầu phối hợp điều tra qua điện thoại, cơ quan Công an không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.
2. Không cung cấp thông tin cá nhân (số điện thoại, CCCD, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng...) cho bất kỳ ai.
3. Không truy cập vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử và tải xuống ứng dụng, phần mềm đáng tin cậy.
4. Thường xuyên cập nhật tin tức, cảnh báo của cơ quan chức năng để nâng cao cảnh giác trước các diễn biến, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
5. Nếu có bất kỳ nghi vấn nào, cần báo cho Công an xã trước khi tải trang web, cung cấp thông tin hoặc chuyển khoản. Chỉ chuyển khoản khi khẳng định chính xác đó là số tài khoản của người mình biết.
2. Tội phạm trộm cắp tài sản
Phương thức, thủ đoạn:
1. Lợi dụng sơ hở người dân để xe mô tô, xe máy điện… trước cửa nhà, cửa phòng trọ, vỉa hè, lề đường… không có người trông coi, không khóa cẩn thận trộm cắp tài sản.
2. Lợi dụng sơ hở đột nhập vào nhà qua cửa chính, cửa sau, cửa sổ, cửa tum, ô thông gió… trộm cắp tài sản.
3. Lợi dụng sơ hở của người dân để xe ô tô ngoài đường không có người trông coi trộm cắp phụ kiện hoặc đập kính chắn gió để trộm cắp tài sản trong xe.
Biện pháp phòng tránh:
1. Đối với xe mô tô, xe máy điện khi để ở nơi không có người trông coi, bảo vệ cần khóa cổ, khóa càng hoặc sử dụng thêm khóa chữ “U", khóa chống cắt để bảo vệ tài sản.
2. Gia cố hệ thống cửa, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit khi đi ngủ, đi vắng nhiều ngày cần kiểm tra hệ thống cửa. Lắp camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Khi phát hiện kẻ trộm vào nhà phải bình tĩnh xử lý, liên lạc với lực lượng chức năng, hoặc hàng xóm, người thân hỗ trợ. Không lập tức hô hoán, truy bắt có thể dẫn đến nguy hiểm sức khỏe, tính mạng.
3. Không để tài sản có giá trị như: vàng bạc, đá quý, tiền mặt, ví... và các loại giấy tờ quan trọng trong xe ô tô khi đỗ xe ngoài đường.
3. Tội phạm cướp tài sản
1. Khi điều khiển xe mô tô trên đường cần tuân thủ nghiêm túc luật giao thông đường bộ, di chuyển đúng làn đường, dừng xe đúng vạch quy định, nâng cao tinh thần cảnh giác, có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản, cất các tài sản có giá trị như: ví tiền, dây chuyền, hoa tai, túi xách,… vào nơi an toàn như cốp xe, hộc để đồ. Nếu phát hiện có đối tượng di chuyển ngay phía sau hoặc bên trái khả nghi có thể bất ngờ tăng tốc. Quan sát kính chiếu hậu, nếu đối tượng di chuyển theo, nếu xác định có thể là đối tượng cướp giật nên tấp vào lề hoặc tạm thời dừng xe ở địa điểm an toàn để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
2. Hạn chế việc vừa điều khiển xe mô tô vừa sử dụng điện thoại, kể cả người ngồi phía sau. Khi cần sử dụng phải tìm vị trí an toàn, tấp vào lề đường, dựng xe, bước hẳn xuống, quan sát xung quanh, khi đảm bảo an toàn mới sử dụng điện thoại. Chú ý cảnh giác tại thời điểm mới lên xe, chuẩn bị khởi động máy và lúc dừng, tắt máy khi đến nơi. Trước khi xuống xe, cần phải quan sát xung quanh, cảm thấy an toàn mới bước xuống, nhanh chóng di chuyển vào địa điểm cần đến.
3. Khi phát hiện đối tượng nghi ngờ thực hiện hành vi cướp giật hoặc bị cướp giật, cần tri hô để những người xung quanh hỗ trợ, đồng thời cố gắng ghi nhớ nhận dạng của đối tượng, loại xe, biển số xe và thông báo kịp thời đến Công an nơi gần nhất.
Công an xã Đức Phúc thông báo đến toàn thể nhân dân biết, chủ động phòng chống cháy nổ và phòng ngừa, nâng cao tinh thần cảnh giác, có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản, không để đối tượng lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản và thực hiện tốt Luật số 14/2017/QH14, ngày 20/6/2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Nghị định 137/2020/NĐ-CPngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo./.