Bản đồ xã Hồng Đức
Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Đức giai đoạn(1930-2010) xuất bản năm 2010 . Từ xa xưa Hồng Đức là một bãi bồi hoang sơ do hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp chưa có người đến ở. Theo tương truyền, vào thế kỷ XIII có một số người ở nơi khác đến định cư là họ Trần ở Mai Động rồi họ Nguyễn, họ Đoàn v.v, đến Đồng Lạc, đến Tế Cầu sinh cơ lập nghiệp để trở thành trang, ấp, làng, xóm. Đến trước cách mạng tháng Tám 1945, xã Hồng Lạc có hơn chục dòng họ với 504 hộ, 3.040 khẩu. Theo số liệu điều tra dân số năm 2010, xã Hồng Đức có 1.808 hộ với 6.385 người.
Hồng Đức trước cách mạng tháng 8 năm 1945 các làng đặt tên là xã. Xã Tế Cầu, xã Đồng Lạc, xã Mai Động thuộc tổng Phùng Xá, phủ Vĩnh Lại. Cách mạng tháng tám thành công, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương bỏ cấp tổng, phủ, do đó hợp nhất 3 Thôn Tế Cầu, Đồng Lạc, Mai Động thành xã Hồng Lạc, huyện Ninh Giang. Đến tháng 8 năm 1948 Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương cắt Thôn Kim Húc của xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc về xã Hồng Lạc và được gọi là xã Hồng Đức.
Thôn Tế Cầu (trước đây gọi là Cầu chay) . Có 3 xóm là xóm Đình, xóm Chùa, xóm Giáng.
Thôn Đồng Lạc (trước đây có tên là: Trang Cúc Níc, trang Đồng Lịch, làng Xịch có 4 xóm là xóm Đình, xóm Tây, xóm Đông, xóm Năng.
Thôn Kim Húc (trước đây gọi là trại Đồng Tái, làng Dương Húc, làng Xóc) có 4 xóm là xóm Đình , xóm Hàng, xóm Đá, xóm Xịch.
Thôn Mai Động (trước đây gọi là làng Mè) có 4 xóm là xóm Xung, xóm Gia, xóm Chùa, xóm Lếnh.
Xã Vạn Phúc: Theo lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Phúc giai đoạn (1930-2010) xuất bản năm 2011. Xã Vạn Phúc là một trong những điểm dân cư được hình thành sớm của huyện Ninh Giang cũng như vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cách đây hơn một nghìn năm, vào thời Tiền Lê (988-1009), một số cư dân thuộc dòng họ Phạm từ rừng núi tỉnh Phú Thọ ngày nay đã di cư xuống đây để khai khẩn đất đai, đánh bắt tôm cá, sinh cơ lập nghiệp. Đến thời Lý – Trần (1009-1400) người của các dòng họ: Vũ, Lê, Nguyễn, Phùng, Đoàn, Bùi, Trần … cũng từ các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình lần lượt đến đây làm ăn sinh sống. Tuy gồm nhiều dòng họ đến từ nhiều địa phương nhưng họ đã đoàn kết cùng nhau chống chọi với thiên nhiên, thú dữ để sinh tồn, hình thành lên trại ấp, rồi làng xã. Đến giữa thế kỷ XX, Vạn Phúc có 12 dòng họ với 580 hộ, 2.268 khẩu. Theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/2009, xã Vạn Phúc có 4.160 người, trong đó có 11 người là dân tộc thiểu số, còn lại là người Kinh. Trước Cách Mạng tháng 8/1945 có 3 làng (xã): Phùng xá, Bình Hoàng, Cổ Lôi và Trại Bình:
- Làng Phùng Xá, làng Bình Hoàng và Trại Bình thuộc tổng Phùng Xá, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 22/11/1945 Chính phủ cách mạng lâm thời ban hành sắc lệnh 63/SL về việc bỏ đơn vị hành chính cấp làng – xã, tổng và cấp phủ của chế độ thực dân phong kiến để thành lập các xã, huyện mới. Thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ, đầu tháng 2/1946, phủ Ninh Giang chính thức gọi là huyện Ninh Giang. Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 15/12/1992 UBND tỉnh Hải Hưng quyết định thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của một số thôn – xã trong tỉnh, trong đó có 04 thôn của xã Vạn Phúc. Cụ thể:
- Dân cư thôn Cổ Lôi và dân cư thôn Trại Bình gọi là thôn 1.
- Dân cư xóm Cõi, xóm Bình Hoàng của thôn Bình Hoàng, gọi là thôn 2.
- Dân cư xóm Bàng, xóm Xanh, xóm Nam của thôn Phùng Xá gọi là thôn 3.
- Dân cư xóm Đình, thôn Phùng Xá gọi là thôn 4.
Như vậy, xã Vạn phúc từ tháng 12/1992 đến nay là 4 thôn với tên gọi mới là: thôn 1, thôn 2, thôn 3 và thôn 4.
Xã Đức Phúc được thành lập
Ngày 01/12/2024, xã Đức Phúc được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Vạn Phúc và xã Hồng Đức (Theo Nghị quyết số 1250/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025).
3. Giao thôngHệ thống giao thông của xã Đức Phúc rất thuận lợi, có đường tỉnh lộ 392 và đường trục Băc Nam chạy qua.. các tuyến đường trục xã liên kết đến các thôn đều được trải nhựa cứng, đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn Đức Phúc
4. Phát triển kinh tếXã Đức Phúc nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của các sông Thái Bình, sông Hồng. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề khác.
Nghề lao động chính của người dân Đức Phúc là sản xuất nông nghiệp và lao động tại các công ty, xí nghiệp. Trước đây có nhiều nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng: Nghề đan, nghề Thêu ren, nghề mộc, nghề làm bánh đa... nhưng do điều kiện và nhu cầu phát triển của xã hội nên nhiều nghề truyền thống đến nay dần bị mai một, thất truyền.
Những năm gần đây kinh tế của Đức Phúc có tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân tính theo người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như: Vùng trồng ớt xuất khẩu thôn Đồng Lạc (đã được cấp mã số vùng trồng) vùng cấy giống lúa TBR 20 trên 30ha và nhiều vùng cấy lúa trên 5ha khác
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Đến nay, trên địa bàn xã có 09 doanh nghiệp, công ty lớn, nhỏ đang hoạt động.
Cánh đồng trồng cây hành
5. Về xây dựng Nông thôn mới- Xã Hồng Đức được công nhận xã nông thôn mới năm 2017 (về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra). Xã Vạn Phúc được công nhận xã nông thôn mới năm 2020.
Sau khi thành lập, xã Đức Phúc đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện các tiêu chí còn chưa đạt phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
6. Truyền thống cách mạngXã Hồng Đức: Hồng Đức là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, Hồng Đức đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Toàn xã có 142 liệt sỹ, 56 thương, bệnh binh và người nhiễm chất độc hóa học, 1 4 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nghĩa trang liệt sĩ xã thường xuyên được chăm sóc, tu bổ; các chính sách "đền ơn đáp nghĩa" được Đảng và Chính quyền địa phương đặc biệt trú trọng.
Nghĩa trang liệt sỹ xã
Xã Vạn Phúc: Qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, nhân dân và những người con quê hương Vạn Phúc đã hiến sức người, sức của góp công vào thành công vĩ đại trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của cả nước. Đã có rất nhiều người con Vạn Phúc nằm lại tại các chiến trường. Xã có 09 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 83 liệt sĩ, 52 thương binh, bệnh binh. Sau chiến tranh, đất nước đã yên bình, với tinh thần xây dựng lại cuộc sống, nhân dân trong xã lại bắt tay vào tham gia sản xuất, làm kinh tế không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho quê hương, đất nước .
8- Về tổ chức đảng, đảng viên, lịch sử hình thànhĐảng bộ xã Hồng Đức: Trước khi được thành lập, xã Hồng Lạc có 02 đảng viên chính thức sinh hoạt tại chi bộ ghép khu Bắc huyện là đồng chí Trần Văn Tịnh và đồng chí Trần Văn Tĩnh. Ngày 06/01/1947 chi bộ ghép họp tại Văn Chỉ (thôn Đồng Hy xã Ninh Hòa cũ). Tại Hội nghị đồng chí Hồ Ngọc Uyên - Ủy viên BCH Đảng bộ huyện đã công bố Quyết định của Huyện ủy về việc thành lập chi bộ độc lập của xã Hồng Lạc và chỉ định đồng chí Trần Văn Tịnh làm Bí thư chi bộ.
Tháng 3 năm 1947, chi bộ Hồng Lạc kết nạp thêm được 4 quần chúng vào Đảng. Những tháng còn lại của năm 1947 chi bộ kết nạp tiếp được 9 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên cảu chi bộ lên 15 đồng chí. Tháng 4 năm 1948, chi bộ Hồng Lạc tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Miếu Mè. Đại hội bầu 03 đồng chí vào Ban chi ủy, đồng chí Trần Văn Tịnh được bầu làm Bí thư; đồng chí Trần Văn Tĩnh, chi ủy; Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã. Để giữ bí mật , Đại hội thống nhất lấy tên biệt danh là chi bộ A2.
Trải qua những năm tháng kháng chiến gay go, ác liệt trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Ninh Giang, Chi bộ Hồng Lạc đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên, quân và dân Hồng Lạc tập trung lực lượng, kiên trung, kiên trì bám đất giữ làng, lực lượng của Chi bộ đảng từ 02 đảng viên (thời điểm thành lập tháng 01/1947) đã phát triển mạnh mẽ, đến năm 1948 Chi bộ đã có thêm 14 đảng viên nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 29 đồng chí. Với những đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, đã có hàng trăm người con quê hương Hồng Đức vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, huân huy chương cao quý.
Văn chỉ thôn Đồng Hy - nơi diễn ra Hội nghị lần thứ Nhất thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên
Đảng bộ xã Hồng Đức không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, từ khi chi bộ đầu tiên được thành lập 06/01/1947 có 02 đảng viên đến hết tháng 11/2024 đảng bộ đã phát triển lên 254 đảng viên sinh hoạt ở 09 Chi bộ Đảng trực thuộc (gồm 03 Chi bộ Nhà trường, 01 Chi bộ Công an, 01 Chi bộ Quân sự, 04 Chi bộ nông thôn), Đảng bộ đã trải qua 28 kỳ Đại hội, đồng chí Trần Văn Tịnh là Bí thư đầu tiên của Chi bộ Hồng Lạc (thời gian 1947-1948), đồng chí Nguyễn Quý Chiều là Bí thư Đảng bộ cuối cùng của Đảng bộ xã Hồng Đức khóa XXVIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Chân dung các đồng chí Bí thư chi bộ, Bí thư Đảng bộ xã và các đồng chí Chủ tịch UBND xã Hồng Đức (1947 – 2010)
Đảng bộ xã Vạn phúc: Trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, địa phương cơ sở cách mạng cần phải có chi bộ Đảng và có đảng viên để tổ chức, giáo dục lãnh đạo quần chúng nhân dân kháng chiến, đã có một số thanh niên ưu tú của xã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì số đảng viên còn ít nên thời kỳ đầu ghép với xã Quyết Thắng, Ninh Hòa, Ứng Hòe. Ngày 08/10/1946, theo quyết định của Huyện ủy Ninh Giang, Chi bộ Vạn Phúc được thành lập gồm 03 đồng chí đảng viên (Gồm các đồng chí phạm Văn Tuyền, Trần Đình Viện và Vũ Văn Cán), chi bộ lấy biệt danh là chi bộ D3, đồng chí Phạm Văn Tuyền được Huyện ủy Ninh Giang chỉ định làm Bí thư Chi bộ.
Sau một thời gian dài, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, khói lửa của chiến tranh, Đảng bộ Vạn Phúc ra đời là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở địa phương. Quê hương đã sạch bóng quân thù, cuộc sống được thanh bình trở lại, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH và phát triển quê hương. Trải qua những năm trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Phúc đã vinh dự được đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Chính phủ, nhiều cá nhân được phần thưởng, bằng khen, giấy khen, huân huy chương cao quý.
Từ khi thành lập đến nay Đảng bộ Vạn Phúc đã trải qua 28 kỳ đại hội với 244 đảng viên sinh hoạt ở 10 Chi bộ Đảng trực thuộc (gồm 03 Chi bộ Nhà trường, 01 Chi bộ Công an, 01 Chi bộ Quân sự, 01 chi bộ Y tế, 04 Chi bộ thôn), đồng chí Phạm Văn Tuyền được bầu là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ, đồng chí Phạm Văn Chuộng là Bí thư Đảng bộ cuối cùng của Đảng bộ xã Vạn Phúc Khóa XXVIII.
Chân dung các đồng chí được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi đảng và các đồng chí Bí thư chi bộ xã, Bí thư Đảng bộ xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Bí thư Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc
(1946 – 2011)
Trước khi sáp nhập, Đảng bộ xã Hồng Đức và Đảng bộ xã Vạn Phúc nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Ngày 01/12/2024, Thực hiện Nghị quyết số 1250/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025". Đảng bộ xã Đức Phúc khóa I, nhiệm kỳ 2020-2025 được thành lập theo Quyết định số 867-QĐ/HU ngày 25/11/2024 của BTV Huyện ủy Ninh Giang dựa trên cơ sở hợp nhất giữa tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ xã Hồng Đức và Đảng bộ xã Vạn Phúc. Đồng chí Nguyễn Quang Huy được Huyện ủy Ninh Giang chỉ định giữ chức Bí thư Đảng bộ đầu tiên của xã Đức Phúc khóa I, nhiệm kỳ (2020-2025).
Hình ảnh tại Hội nghị công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Đức Phúc
Đảng bộ xã Đức Phúc khóa I, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm:
- Ban Thường vụ có 04 thành viên: 01 Bí thư, 02 Phó Bí thư, 01 Ủy viên BTV.
- Ban Chấp hành có 14 ủy viên.
- Đảng bộ có 17 chi bộ: 08 chi bộ nông thôn, 06 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an, 01 chi bộ Quân sự, 01 chi bộ Y tế.
- Tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ (tính đến ngày 01/12/2024) là: 498 đảng viên.